Yêu Bản Thân Để Có Sức Khoẻ Toàn Hảo

Top 9 đồ dùng cần có trong tủ thuốc gia đình

Bên cạnh câu hỏi “Tủ thuốc gia đình cần có gì?”, có bao giờ bạn thắc mắc cần chuẩn bị những vật dụng y tế nào và đồ dùng nào cần thiết cho việc sơ cứu hay không? Dưới đây sẽ là các vật dụng giúp bạn ứng phó kịp thời với các chấn thương nhỏ và các tình huống nghiêm trọng khác.

Danh sách các số liên lạc khẩn cấp

Đầu tiên, bạn nhất định phải ghi lại danh sách các số điện thoại quan trọng của bác sĩ, trung tâm y tế, số cấp cứu khẩn cấp và những hướng dẫn xử trí khi ngộ độc hay dị ứng. Hãy dán chúng vào nơi dễ nhìn thấy nhất, có thể là ở bên cánh tủ hay mặt trong cửa tủ.

Dung dịch rửa vết thương

Tủ thuốc gia đình của bạn cũng cần có một số dung dịch rửa vết thương, điển hình như: Cồn 70°, dung dịch oxy già, dung dịch iod 5% (cồn iod). Bạn nên lưu ý về loại vết thương và tình trạng vết thương để có cách sử dụng sản phẩm rửa vết thương phù hợp:

  • Cồn 70° hay còn gọi là cồn y tế dùng để rửa vết thương hở, sát khuẩn vùng da trước khi tiêm. Khi sử dụng dung dịch này sẽ làm vùng da bôi lên bị khô, kích ứng da khi dùng nhiều lần.
  • Oxy già thường được dùng để rửa vết thương. Tùy vào loại vết thương mà sử dụng đúng nồng độ (1.5%, 3%, 6%) vì nếu sử dụng oxy già với nồng độ cao sẽ dễ làm tổn thương tế bào lành lặn khiến vết thương nặng hơn.
  • Dung dịch iod 5% có tác dụng sát khuẩn, chống nhiễm trùng các vùng mô, da, niêm mạc trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên khi dùng iod có thể làm kích ứng da, gây đau và nếu dùng với vết thương lớn, sâu có thể gây nhiễm độc. Do đó, dung dịch iod 5% được khuyến cáo không dùng cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh các loại thuốc, tủ thuốc gia đình cũng nên có các dung dịch rửa vết thương

Băng, gạc y tế

Bạn đừng quên dự trữ các loại băng cá nhân với nhiều kích cỡ khác nhau trong tủ thuốc gia đình. Băng gạc y tế và băng dính sẽ giúp băng bó vết thương, phòng tránh nhiễm khuẩn.

Kéo sạch 

Trong tủ thuốc gia đình bạn cũng nên chuẩn bị một chiếc kéo sạch dùng để cắt bông, băng, gạc khi băng bó vết thương.

Nhiệt kế

Bạn có thể cảm nhận được cơ thể hơi sốt bằng việc đặt tay lên trán nhưng sử dụng nhiệt kế vẫn là cách tốt nhất để đo chính xác nhiệt độ cơ thể. Theo dõi nhiệt độ rất quan trọng để nhận biết những dấu hiệu nghiêm trọng cần được xử lý kịp thời. Do đó, nhiệt kế là một vật dụng cần thiết trong mỗi gia đình.

Nước muối sinh lý 

Bạn nên dự trữ khoảng 3-4 chai nước muối sinh lý trong tủ thuốc gia đình của bạn vì chúng có rất nhiều công dụng, điển hình là:

  • Rửa mắt khi bị dị vật (hạt bụi, côn trùng, cát…) có tác dụng là đẩy dị vật ra khỏi mắt.
  • Vệ sinh mũi hàng ngày sau khi đi đường có nhiều bụi hoặc trong thời điểm có dịch bệnh, trong trường hợp bị cảm cúm hay sốt siêu vi.
  • Nhỏ mắt, mũi sau khi đi bơi.

Các túi chườm nóng và lạnh

Chuẩn bị những túi chườm trong tủ thuốc gia đình vì chúng có thể hỗ trợ trong rất nhiều trường hợp, chẳng hạn như đau đầu, đau bụng, bong gân, đau cơ hay chấn thương.

Bạn nên lựa chọn những sản phẩm túi chườm đạt chất lượng cũng như sử dụng túi đúng cách để đảm bảo an toàn và giúp việc chữa trị đạt hiệu quả cao.

Các túi chườm sẽ hỗ trợ bạn trong rất nhiều tình huống

Máy đo huyết áp 

Những gia đình có người cao tuổi hoặc người mắc bệnh tim mạch, bệnh huyết áp thì nên chuẩn bị thêm máy đo huyết áp. Thiết bị này sẽ giúp bạn kiểm tra thường xuyên chỉ số huyết áp của người bệnh và có hướng xử lý kịp thời.

Dầu gió

Dầu gió là loại thuốc bôi ngoài da, có tác dụng giảm đau khi bị chấn thương nhẹ, làm dịu các vết đốt do côn trùng hoặc trị đau bụng, chống viêm nhiễm…Vì vậy, bạn nên chuẩn bị cho gia đình một một chai dầu gió để sử dụng trong những tình huống cần thiết.

Cách chăm sóc tủ thuốc gia đình

Sau khi chuẩn bị tủ thuốc gia đình, bạn nên có kế hoạch kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần để luôn chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc cần thiết. Ngoài ra, việc kiểm kê thường xuyên còn giúp bạn loại bỏ những loại thuốc cũ, đã hết hạn sử dụng.

Lưu ý: Với các loại thuốc đã hết hạn sử dụng, bạn không nên vứt lung tung trong thùng rác sinh hoạt. Thay vào đó, hãy tìm hiểu hoặc đến nhà thuốc để hỏi những cách thu hồi thuốc đã hết hạn để có xử lý đúng cách, tránh ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Ngoài ra, khi chăm sóc tủ thuốc gia đình, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Nên treo tủ thuốc gia đình ở nơi khô ráo, trên cao, ngoài tầm tay của trẻ. Bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào cũng là điều rất quan trọng.
  • Dọn tủ thuốc mỗi tháng một lần để bỏ đi những sản phẩm quá hạn sử dụng cũng như thuốc đã dùng hết.
  • Dành một ngăn riêng để chứa thuốc của trẻ em, thuốc điều trị dành cho người bệnh lâu ngày.
  • Nên phân loại các sản phẩm theo công dụng chữa trị để bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và sử dụng chúng khi cần.

Sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Tủ thuốc gia đình sẽ là bước đầu tiên giúp bảo vệ bạn và gia đình. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ biết được tủ thuốc gia đình cần có gì để có thể bảo vệ gia đình một cách trọn vẹn nhất.