Lá lách và dạ dày là hai bộ phận có liên quan mật thiết với nhau cũng như đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Vậy cần bổ sung thực phẩm tốt cho lá lách, dạ dày như thế nào để tránh mang bệnh?
1. Mối quan hệ giữa lách và dạ dày
Quan niệm của Đông y và Tây y về dạ dày tương đối giống nhau, tuy nhiên với lá lách có sự khác biệt lớn. Tây y cho rằng, lách là một cơ quan tách biệt nằm phía trên bên trái của khoang bụng, có chức năng lọc máu, tăng khả năng miễn dịch, nhưng không có chức năng tiêu hóa.
Vì vậy, nhiều người sau khi tìm hiểu qua lĩnh vực Tây y đã không lý giải được tại sao trong Đông y, lách và dạ dày có mối quan hệ mật thiết với nhau, đồng thời gây ra cho họ sự hoài nghi về khả năng hỗ trợ tiêu hóa của lá lách.
Danh y Hồ Nãi Văn của Đài Loan giải thích, lách trong Đông y được xem là một trong những cơ quan ngũ tạng, ngoài chức năng chính, nó còn có chức năng hỗ trợ tiêu hóa giống như tụy.
Lách có chức năng điều hòa nước trong cơ thể (tỳ chủ vận hóa thủy hấp), hỗ trợ quá trình tiêu hóa, đưa các chất dinh dưỡng như protein đến các cơ quan của cơ thể. Lá lách và ruột thừa là hai bộ phận “còn sót lại” nổi tiếng nhất trong cơ thể, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng thực sự có giá trị với sức khỏe của chúng ta. Chúng ta sẽ không chết nếu thiếu chúng, nhưng sự tồn tại của chúng trong cơ thể cũng không phải là một ý tưởng tồi đâu.
Mặc dù được xem như một cơ quan còn sót lại những thập kỷ trước, tuy nhiên gần đây các nhà khoa học đã phát hiện lách có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi bạn nhiễm bệnh, lá lách có thể giúp lọc máu, lấy các tế bào máu xấu và tái sử dụng chúng cho những mục đích khác. Ngoài ra, lá lách còn là kho lưu trữ các tế bào bạch cầu và tiểu cầu để cung cấp bất cứ khi nào hệ miễn dịch cần.
Gần đây nữa, các nhà nghiên cứu còn phát hiện lá lách còn là nơi lưu trữ các bạch cầu đơn nhân (monocytes), một dạng của tế bào máu trắng, khi trưởng thành có thể biệt hóa thành đại thực bào tại các mô khác nhau của cơ thể và các khu vực nhiễm bệnh để ăn các mầm bệnh và ngăn tổn thương mô.
Điều này rất quan trọng với những người có vấn đề liên quan đến tim, bởi vì các bạch cầu đơn nhân sẽ giúp chữa lành các mô tim khi cơn đau tim xảy ra.
Theo Danh Y Hồ Nãi Văn, dưới đây là 5 loại thực phẩm tốt cho lá lách, dạ dày hay còn gọi là tỳ, vị mà bạn nên chú ý bổ sung trong chế độ ăn uống của mình.
2. Thực phẩm tốt cho lá lách, dạ dày
Gạo
Cháo gạo trắng được ví như là nhóm thuốc trị viêm loét dạ dày Antacid của Tây y, dùng để bảo vệ niêm mạc dạ dày, đồng thời cũng được coi là thực phẩm tốt cho lá lách. Cháo gạo trắng và gạo nếp là món ăn thông dụng được nhiều người dùng để điều trị bệnh dạ dày và bệnh phổi.
Hiện nay, nhiều người ăn cháo gạo trắng và nhất là gạo lứt bổ sung chất dinh dưỡng, tuy nhiên các chuyên gia khuyên không nên ăn nhiều gạo lứt bởi nó khó tiêu, làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Canh khoai lang
Khoai lang có tính bình, vị ngọt, là loại thực phẩm tốt cho lá lách, thường dùng giúp khỏe tỳ, vị. Nhiều người lo lắng, khoai lang có thể làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Danh y Hồ Nãi Văn cho biết thêm, thực ra canh khoai lang không thể làm tăng lượng đường huyết, nếu sử dụng hợp lý còn có ích cho những người bị bệnh tiểu đường.
Lạc (đậu phộng)
Nhiều người biết lạc có tác dụng tốt đối với dạ dày, lạc rang có tính sinh nhiệt, giúp làm ấm bụng. Tuy nhiên, lạc luộc lại có tính mát, sẽ không tốt đối với dạ dày của nhiều người. Vì vậy nếu lựa chọn thực phẩm tốt cho lá lách là lạc cũng cần cân đối và điều chỉnh để tránh lợi bộ phận này hại bộ phận khác.
Táo tàu (đỏ)
Dùng chung táo đỏ, cam thảo và gừng rất tốt cho dạ dày, làm ấm bụng. Trong bài thuốc “bát trân thang” và “thập toàn đại bổ thang” đều có 3 vị nói trên. Trong đời sống thường ngày, có thể thêm táo đỏ vào canh xương hầm hoặc cháo cho người bệnh.
Khiếm thực, hạt sen
Theo Đông y, những người có tỳ, vị không tốt, trong quá trình uống thuốc điều trị dễ bị tiêu chảy. Tác dụng chủ yếu của khiếm thực và hạt sen là bổ thận, lách. Danh y Hồ Nãi Văn cho biết, ông thường cho thêm hai vị trên vào bài thuốc bổ tỳ, nhằm khắc phục tình trạng đường ruột yếu, bị tiêu chảy.
Nước
Uống khoảng 8 – 10 ly nước mỗi ngày có thể hỗ trợ sức khỏe lá lách. Lá lách cần nước để hoạt động hiệu quả. Judith E. Brown, tác giả của cuốn sách Everywoman’s Guide to Nutrition, nói rằng khi không uống đủ nước, cơ thể trở nên mất nước, tiêu hóa chậm và lá lách không thể tự làm sạch và loại bỏ các độc tố tích lũy. Thực phẩm và đồ uống có chứa một lượng lành mạnh của nước bao gồm các loại trà thảo dược, sữa, đào, mận, cam, cà chua, dưa hấu, cần tây, dưa chuột và rau diếp.
Trái cây tươi và rau quả
Tiêu thụ trái cây tươi và rau quả có thể giữ cho lá lách hoạt động tối ưu. Táo, anh đào, quả việt quất, dâu tây, cam, cà rốt, cần tây, ớt chuông, dưa chuột, rau diếp và bông cải xanh rất giàu vitamin, khoáng chất và enzyme có thể giải độc cơ thể, cải thiện chức năng lách, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường hệ thống miễn dịch. Điều quan trọng là tiêu thụ những thực phẩm này trong trạng thái tự nhiên, tươi sống vì khi chế biến với nhiệt các chất dinh dưỡng sẽ bị phá hủy
Gừng
Loại gia vị phổ biến này có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe lá lách. Gừng rất giàu zingibain, một loại enzyme giúp cơ thể tiêu hóa protein, làm giảm viêm, tăng cường hệ thống miễn dịch.
Cá béo
Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá bơn và cá mòi rất giàu axit béo omega-3, chất béo không bão hòa lành mạnh có thể làm giảm viêm trong cơ thể, giúp lá lách tự làm sạch, loại bỏ các chất độc hại từ thuốc lá và rượu. Các loại thực phẩm khác có chứa axit béo omega-3 bao gồm hạt lanh, dầu hạt lanh, dầu hạt cải, đậu nành, dầu đậu nành, hạt bí ngô, dầu hạt bí ngô, quả óc chó và dầu quả óc chó.
Nấm Maitake
Maitake là một loại nấm quý hiếm của Nhật Bản, rất giàu beta-glucan, có thể làm tăng số lượng tế bào miễn dịch trong lá lách, đảo ngược hoặc trì hoãn sự phát triển của khối u, giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.